25/05 Thị trường nhà đất Mỹ cải thiện mạnh

Tuy nhiên tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất Mỹ, lĩnh vực đã kéo kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái, có thể đang hạ nhiệt.

Doanh số bán nhà mới tại Mỹ tháng 4/2011 tăng đến tháng thứ 2 liên tiếp, thị trường nhà đất Mỹ hồi phục nhẹ từ mức sụt giảm kỷ lục trước đó 2 tháng.

Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh số bán nhà mới tăng 7,3% lên 323.000. Các chuyên gia đã dự báo về con số 300.000. Doanh số bán nhà mới tháng 2/2011 ở mức 278 nghìn, thấp nhất tính từ năm 1963.

Việc tình hình trên thị trường việc làm cải thiện có thể đang dần giúp thị trường nhà đất hồi phục. Tuy nhiên khả năng tỷ lệ thu hồi nhà tiếp tục tăng khiến giá nhà giảm đồng nghĩa với người mua nhà có thể sẽ chuộng loại nhà đã qua sử dụng hơn.

Mức giá nhà trung bình trong tháng 4/2011 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước lên mức 217.000USD/căn.

Nhu cầu nhà tại các bang phía Tây tăng 15%. Nhu cầu nhà tại 3 khu vực lớn khác của nước Mỹ cũng tăng.

Nguồn cung nhà ở mức doanh số bán như trên giảm xuống mức thấp nhất trong 1 năm. Ở thời điểm cuối tháng 4/2011, có khoảng 175 nghìn ngôi nhà mới trên thị trường, mức thấp nhất từ năm 1963.

Ông Bricklin Dwyer, chuyên gia kinh tế tại BNP Paribas ở New York, nói: “Chúng tôi đang nhìn vào xu thế cải thiện. Thị trường nhà đất sẽ cải thiện ở mức này, kể cả đối với nhà đã qua sử dụng hay nhà mới, dù giá nhà có giảm nhẹ đôi chút. Vào khoảng thời gian gần cuối năm, doanh số bán nhà sẽ cải thiện.”

Báo cáo khác công bố trong ngày hôm qua cho thấy lĩnh vực sản xuất Mỹ, lĩnh vực đã kéo kinh tế Mỹ ra khỏi suy thoái, có thể đang hạ nhiệt.

FED tại Richmond công bố chỉ số của lĩnh vực sản xuất trong tháng 5/2011 xuống mức -6, thấp nhất từ tháng 4/2009. Mức âm cho thấy lĩnh vực sản xuất đang thu hẹp lại.

Ngọc Minh

Theo Diễn đàn doanh nghiệp/Reuters

23/05 184 tỷ USD để tái thiết nước Nhật sau động đất

Thứ 2, 23/05/2011, 21:05

Chính phủ nước này có thể phải chi tới 10.000-15.000 tỷ yen (khoảng 184 tỷ USD) cho hoạt động tái thiết sau trận động đất.Moody's cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng của Nhật

Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Kaoru Yosano, chính phủ nước này có thể phải chi tới 10.000-15.000 tỷ yen (khoảng 184 tỷ USD) cho hoạt động tái thiết sau trận động đất hồi tháng Ba vừa qua.

Ông Yosano nói Chính phủ Nhật Bản có thể phát hành trái phiếu để huy động nguồn tài chính cho hoạt động tái thiết, song không nên làm như vậy mà không tính đến khả năng và thời hạn trả nợ; cho rằng điều quan trọng là phải duy trì được sự tin cậy của thị trường đối với tình hình tài chính của Nhật Bản. Điều này có nghĩa khả năng tăng thuế là khó tránh khỏi.

Gánh chịu cùng lúc ba thảm họa (động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân), Chính phủ Nhật Bản đang phải huy động nguồn tài chính cho công cuộc tái thiết đòi hỏi chi phí lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thiệt hại do động đất đã khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái, khi suy giảm mạnh hơn dự kiến trong quý I năm nay và tiếp tục đi xuống trong quý II này, do thiếu điện và sự gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Đầu tháng này, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua ngân sách khẩn cấp trị giá 4.000 tỷ yen (khoảng 50 tỷ USD) để khắc phục hậu quả của các thảm họa. Nước này có kế hoạch soạn thảo ngân sách bổ sung thứ hai khá lớn dành cho công cuộc tái thiết. Nợ công của Nhật Bản, hiện gấp đôi quy mô 5.000 tỷ yen của nền kinh tế, là lớn nhất trong số các nước công nghiệp lớn, hạn chế khả năng của nước này trong việc có thêm ngân sách bổ sung.

Các nghị sỹ Nhật Bản đang lưỡng lự trong vấn đề tăng thuế, điều có thể khiến dân chúng bất bình, kể cả khi chi phí tái thiết cũng đã bao gồm việc tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, ông Yosano cho rằng tăng thuế là cần thiết để Nhật Bản có thể tiếp tục chi cho quỹ phúc lợi xã hội đang tăng lên cũng như ổn định tình hình tài chính.

Moody’s cho rằng kinh tế Nhật Bản suy thoái trở lại với GDP âm trong 2 quý liên tiếp, xếp hạng tín dụng của nước này sẽ chịu tác động tiêu cực.

Theo Vietnamplus, Diễn đàn doanh nghiệp

25/05 10 "tội đồ" gây ra khủng hoảng nợ châu Âu

Thứ 4, 25/05/2011, 07:59

Chính người Hy Lạp và người Đức phải xem lại sai lầm của mình. Trung Quốc cũng phải gánh vác phần lỗi không nhỏ đối với cuộc khủng hoảng này.

Khi khủng hoảng nợ đang tàn phá châu Âu nặng nề hơn, chính phủ nhiều nước cố gắng giải quyết thâm hụt ngân sách tăng cao, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc ai phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nợ và phải đứng ra giải quyết nó.

Từ thói quen làm việc của người Hy Lạp cho đến sự sụp đổ của các ngân hàng Iceland, người ta chỉ ra quá đủ yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của nhóm nền kinh tế tại châu Âu cũng như sự đi xuống của cả một châu lục từng là sức mạnh kinh tế quan trọng của thế giới hiện đại.

Ai phải chịu trách nhiệm thực sự? 10 cái tên được nêu ra dưới đây liệu đã đủ để nói hết về các đối tượng và nạn nhân của sự đi xuống kinh tế trên diện rộng?

1. Người Hy Lạp

Tháng 3/2010, một bài báo xuất hiện trên tờ báo lá cải của Đức gửi đến Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou chê bai về thói quen làm việc của người Hy Lạp và cho rằng người nước này nên học theo phong cách dậy sớm và làm việc suốt ngày của người Đức.

Trước đó, 2 chính trị gia Đức đã kêu gọi người Hy Lạp bán đảo và một số tượng đài để có tiền trước khi xin tiền từ EU.

Thâm hụt ngân sách của Hy Lạp tăng cao ở thời điểm giữa những năm 2000 khi kinh tế tăng trưởng tốt và chính phủ không có ý định thắt chặt chính sách.

Thế nhưng đến năm 2008 khi khủng hoảng xảy ra, các ngành công nghiệp quan trọng nhất của Hy Lạp bao gồm công nghiệp đóng tàu và du lịch chịu tác động nặng nề, Hy Lạp mất kiểm soát nợ.

Kế hoạch thắt chặt ngân sách để xin được hỗ trợ 110 tỷ euro tương đương khoảng 158 tỷ USD từ EU đã khiến hàng trăm nghìn người (40% trong số này làm việc trong lĩnh vực công) xuống đường biểu tình vào tháng 5/2010.

Các kế hoạch thắt chặt ngân sách đã giúp Hy Lạp có được thỏa thuận vay 45 tỷ euro từ EU và IMF vào tháng 5/2011 thế nhưng người Hy Lạp chịu tác động nặng nề và họ liên tục biểu tình.

2. Người Đức

Người ta chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc đưa ra quan điểm quá cứng rắn đối với việc hỗ trợ các thành viên thuộc Liên minh châu Âu thế nhưng người Đức thừa hiểu họ sẽ phải bỏ ra nhiều tiền hơn trong các chương trình giải cứu.

Năm 2010, xuất khẩu của Đức tăng trưởng 18,5%, GDP tăng trưởng 3,6% trong khi kinh tế của phần lớn các nước còn lại thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu và EU tụt hậu hoặc bên bờ vực phá sản.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng phần còn lại của châu Âu trở thành nạn nhân của việc kinh tế Đức tăng trưởng quá thành công. Khi 80% thặng dư thương mại của Đức đến từ thương mại trong EU, phía chỉ trích có quan điểm đúng của riêng họ.

Dù phần lớn người Đức cực kỳ phản đối việc phải chi thêm tiền nhưng rủi ro từ khả năng Ireland hay Bồ Đào Nha vỡ nợ quá lớn đến nỗi chắc chắn cường quốc này sẽ vẫn phải chi nhiều hơn.

3. Người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em (baby boomer)

Dù những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em này phải chịu thiệt bởi kinh tế đi xuống (trên phương diện tiền lương hưu, giá nhà, tiền tiết kiệm, giáo dục), sự thật rằng chính phủ nhiều nước phát triển đang gặp rất nhiều khó khăn trong chi tiêu có nguyên nhân từ việc thế hệ người được sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai đang đến tuổi về hưu.

Ông David Willets, Bộ trưởng Kinh tế của Anh, vào năm 2009 đã xuất bản cuốn sách tựa đề: “Người thuộc thế hệ “bùng nổ trẻ em” đã lấy đi tương lai của con cháu họ như thế nào và họ phải trả lại nó?” Cụ thể, ông phân tích nhóm người sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1945 đến 1965 nắm lượng tài sản lớn và lấy đi tương lai con cháu họ thông qua sự thống trị về kinh tế, nhân khẩu học và chính trị.

Chuyên gia Anatole Kaletsky viết trên London Times rằng việc mất đi thế hệ bùng nổ trẻ em trong thập kỷ tới sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách nhóm nước đang đương đầu với khủng hoảng “điên đầu”.

Tại Anh, chính phủ Anh đã có kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu lên 66 từ năm 2016, kế hoạch không chịu nhiều sự phản đối. Tại Pháp, chính phủ cũng đã quyết tâm áp dụng kế hoạch tương tự bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của dân chúng.

4. Trung Quốc

Dù kinh tế phương Tây đang đi xuống, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mà phương Tây chỉ dám “mơ”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã không ngừng nói đến phương Đông khi ông nói đến yếu tố cản trở sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Nhìn chung, thế giới đang phàn nàn về đồng nhân dân tệ bị định giá quá thấp, Trung Quốc có lợi thế thương mại bất bình đẳng; quy định điều tiết lỏng lẻo liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và cản trở đối với hàng nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc.

Châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc rất quan tâm đến việc kinh tế châu Âu tăng trưởng tốt.

Thế nhưng phía các công ty châu Âu chỉ trích Trung Quốc về việc đã đưa ra hệ thống đầy bất lợi khiến các công ty nước ngoài không thể giành được các hợp đồng công.

Ông Yi Gang, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, nói: “Chúng tôi có niềm tin vào thị trường tài chính châu Âu và đồng euro.” Và trên thực tế Trung Quốc đầu tư mạnh vào nợ của khu vực đồng tiền chung châu Âu, tuy nhiên khi châu Âu muốn thâm nhập vào Trung Quốc, mọi chuyện không đơn giản như vậy.

5. Các bên đầu cơ

Các nhà đầu cơ thường bị chỉ trích nặng nề khi thị trường đương đầu với bất kỳ biến động nào, dù đó là giá cacao hay nợ chính phủ. Từ Tổng thống Obama cho đến Thủ tướng Hy Lạp đều đã kêu gọi các nhà đầu cơ hạn chế bớt quyền kiểm soát của họ với thị trường.

Tháng 2/2010, truyền thông Hy Lạp đưa tin bộ phận tình báo phát hiện các hành vi đầu cơ trái phiếu chính phủ Hy Lạp.

Thủ tướng Hy Lạp gần đây khẳng định các lời đồn về Hy Lạp phải tái cơ cấu nợ chẳng qua đến từ nhóm nhà đầu cơ muốn trục lợi từ khả năng Hy Lạp vỡ nợ một phần.

6. Đồng euro

Khi gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu vào năm 1999, nhóm nước như Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau này đến Hy Lạp vào năm 2001 đã phải từ bỏ quyền tự quyết về chính sách tiền tệ cũng như quyền lực hạ giá đồng tiền, nhóm nước trên đã nâng lãi suất.

Những người chỉ trích về đồng euro cho rằng sự bùng nổ trên thị trường bất động sản cũng như tín dụng giống như cái đã từng xảy ra tại Ireland đã có thể tránh được nếu Ireland được nắm quyền kiểm soát với chính sách tiền tệ của họ.

Dù khá công bằng khi cho rằng nhóm nước yếu trong khu vực đồng tiền chung châu Âu thường gặp khó khăn khi muốn cạnh tranh với cường quốc như Đức hay nhóm nước Bắc Âu, quan điểm cho rằng vấn đề họ đang đương đầu sẽ không tồn tại nếu họ không thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu xem ra quá đơn giản.

Chuyên gia Silvia Wadhwa chỉ ra nhóm nước này khi vào khu vực đồng tiền chung châu Âu đã được hưởng lãi suất thấp, họ chi tiêu vô tội vạ vào hạ tầng và cải thiện đời sống của dân nước họ.

Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, yếu điểm của các nền kinh tế này bộc lộ và cuối cùng họ không thể trả được nợ.

Sự đúng đắn của đồng euro, tham vọng lớn nhất của châu Âu, sẽ còn cần đến sự phán xét của lịch sử.

Trong nhóm đối tượng phải chịu trách nhiệm về khủng hoảng nợ châu Âu, còn cần phải kể đến “siêu lừa” Fred Goodwin, Iceland, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và các cơ quan xếp hạng tín dụng.

Ngọc Diệp
Theo Diễn đàn doanh nghiệp/CNBC

03/05 Cuộc “vạn lý trường chinh” của nhân dân tệ

Thứ 3, 03/05/2011, 10:06


Đến nay, mặc dù Trung Quốc đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng đồng nhân dân tệ (NDT) vẫn chưa là một loại tiền tệ quốc tế.

Và để nâng đồng NDT thành một đồng tiền quốc tế, Trung Quốc đang nỗ lực bắt đầu một cuộc “vạn lý trường chinh”.

Thúc đẩy giao thương bằng nhân dân tệ

Theo Wall Street Journal, vào thứ Ba tuần trước (19-4-2011), một quan chức cao cấp trong ngành tài chính Hồng Kông cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang “tích cực xem xét” những quy định mới để đồng NDT lưu thông qua biên giới được dễ dàng hơn.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát nghiêm ngặt các dòng tiền ra vào nền kinh tế. Với chiều hướng thay đổi đó, Bắc Kinh muốn tạo niềm tin cho các đối tác nước ngoài rằng có thể dễ dàng sử dụng NDT đầu tư trở lại Trung Quốc để họ chấp nhận thanh toán bằng NDT trong giao thương.

Thứ Hai tuần trước (18-4-2011), Tân Hoa xã trích dẫn báo cáo của một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết giá trị giao thương quốc tế của NDT trong quí 1 năm nay đã đạt 7% tổng ngoại thương, một sự tăng trưởng đáng kể khi tỷ lệ trên chỉ là 5,7% trong quí 4 và 0,5% trong quí 1 năm trước.

Như vậy, trong quí 1 vừa qua, giá trị ngoại thương bằng NDT đã tăng từ mức 309,3 tỉ NDT (tương đương 47,3 tỉ đô la Mỹ) của quí trước lên thành 360,3 tỉ NDT (tương đương 55,2 tỉ đô la Mỹ) và gấp gần đến hai mươi lần so với con số 18,4 tỉ NDT (tương đương 2,8 tỉ đô la Mỹ) cùng kỳ năm trước.

Những con số tăng trưởng không ngừng của giá trị ngoại thương bằng NDT là kết quả của những nỗ lực không ngừng của Bắc Kinh để tăng cường khả năng giao thương của NDT. Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã nâng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu được phép sử dụng NDT trong ngoại thương từ mức vài trăm lên thành 70.000 doanh nghiệp.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh cả các thỏa thuận thương mại song phương bằng NDT với nhiều quốc gia khác. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã có được sự thỏa thuận với Nga để loại bỏ đô la Mỹ ra khỏi giao thương giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã có thỏa thuận với Brazil để tăng cường thanh toán giao thương song phương bằng NDT hơn là đô la Mỹ. Wall Street Journal đã dẫn lời một quan chức ngành tiền tệ Singapore cho biết Singapore cũng đang đàm phán để thực hiện việc giao thương song phương bằng NDT.

Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các công ty phương Tây và Trung Quốc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu bằng NDT. Các doanh nghiệp như Caterpillar Inc, McDonald’s Corp và Unilever NV trở thành những đơn vị tiên phong trong nỗ lực trên. Tháng 8 năm ngoái, McDonald’s đã trở thành doanh nghiệp phi tài chính đầu tiên phát hành trái phiếu bằng NDT trị giá 200 triệu NDT (tương đương 29 triệu đô la Mỹ). Nếu đồng NDT có thể được đầu tư dễ dàng hơn tại Trung Quốc, sẽ càng kích thích các doanh nghiệp khác huy động vốn bằng NDT.

“Quốc tế hoá” NDT và “hạ bệ” đô la Mỹ

Để “quốc tế hóa” NDT, Bắc Kinh cũng đang ra sức vận động để NDT có một vai trò lớn hơn trong các định chế tài chính quốc tế. Trước mắt, Bắc Kinh đang muốn NDT nhanh chóng có mặt trong rổ tiền tệ SDRs (Special Drawing Rights), loại tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mà các quốc gia có thể dùng để dự trữ. Hiện tại, rổ tiền tệ SDRs đang chỉ có đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yen Nhật.

Trung Quốc thể hiện rất rõ tham vọng trên. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên phát biểu rằng: “Nếu có ai đề nghị rằng NDT nên nằm trong rổ tiền tệ SDRs thì chúng tôi sẽ hoan nghênh ý kiến đó”. Cuối tháng trước, khối G20, về cơ bản, đã đồng ý một tiến trình để NDT có mặt trong rổ tiền tệ SDRs.

Đó là một trong những nỗ lực thúc đẩy hình thành một hệ thống kinh tế tài chính mà trong đó NDT đóng vai trò trung tâm, hay nói một cách khác là nhằm phát triển NDT trở thành đồng tiền quốc tế. Thông qua việc “quốc tế hóa”, nâng cao vị thế NDT, Trung Quốc cũng muốn tìm cách giảm nhẹ vai trò của đồng đô la Mỹ và đang liên tục vận động để SDRs dần thay thế đô la Mỹ trong dự trữ của các nền kinh tế. Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Dân làm cố vấn đặc biệt cho Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình trên.

Rủi ro và thử thách

Mặc dù Trung Quốc đang đạt được một số thành công nhất định trong việc “quốc tế hóa” và gia tăng vị thế NDT, nhưng cũng đang vấp phải không ít khó khăn.

Trước hết, tham vọng có mặt trong rổ tiền tệ SDRs của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ nhiều nước với lý do Trung Quốc vẫn chưa thả nổi tỷ giá NDT theo thị trường.

Tại hội nghị bộ trưởng tài chính khối G20 vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Timothy Geithner dù đồng ý là: “Theo thời gian, chúng tôi tin rằng các loại tiền tệ của các nền kinh tế lớn sử dụng nhiều trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế sẽ trở thành một phần của rổ tiền tệ SDRs”, nhưng vẫn cho rằng: “Để đạt được mục tiêu này, các nước liên quan cần phải có hệ thống tỷ giá linh hoạt, ngân hàng trung ương độc lập và cho phép các dòng vốn tự do”.

Hoa Kỳ vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc đã không chịu thả nổi tỷ giá của NDT. Dù sao thì Hoa Kỳ vẫn có một vai trò lớn trong IMF nên sự phản đối từ Hoa Kỳ sẽ là lực cản lớn.

Không riêng gì Hoa Kỳ, ngay cả Pháp cũng ngầm cho rằng Trung Quốc phải thả nổi tỷ giá NDT nếu muốn có mặt trong rổ tiền tệ SDRs. Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cũng nhấn mạnh vào tính linh hoạt của tỷ giá tiền tệ và sự độc lập của ngân hàng trung ương như là điều kiện tiên quyết để tham gia thị trường tài chính toàn cầu. Bà Christine Lagarde khẳng định, đồng NDT có mặt trong rổ tiền tệ SDRs hay không, phụ thuộc vào chính quyền Trung Quốc. Ngay cả các thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua tại Trung Quốc, cũng chưa nhất trí để có được thỏa thuận cho phép NDT có mặt trong rổ tiền tệ SDRs.

Bên cạnh thử thách để gia nhập rổ tiền tệ SDRs, dự trữ ngoại tệ khổng lồ trị giá hơn 3.047 tỉ đô la Mỹ, mà phần lớn là đô la Mỹ, cũng trở thành một rủi ro cho Trung Quốc khi đô la Mỹ mất giá. Trung Quốc vẫn chưa có biện pháp “thanh lý” đô la Mỹ trong kho dự trữ của mình trong khi các quốc gia khác vừa không muốn đô la Mỹ mất giá nhanh chóng khi đô la Mỹ vẫn là phương tiện dự trữ chính, cũng vừa không sẵn sàng “giảm tải” kho dự trữ khổng lồ trên cho Trung Quốc.

Điều đó sẽ khiến cho quá trình đẩy mạnh vai trò dự trữ của SDRs bị chậm đi. Hiện tại, Trung Quốc chỉ đưa được NDT ra nước ngoài và tạo sự luân chuyển tốt hơn nhưng chưa có biện pháp giảm bớt dự trữ đô la Mỹ hay nói cách khác là Trung Quốc đang nan giải với kho dự trữ ngoại tệ, cũng giống như nan giải với tỷ giá linh hoạt vì nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Chính vì thế, “quốc tế hóa” NDT sẽ là cuộc “vạn lý trường chinh” đầy thử thách của Trung Quốc.
Theo Ngô Minh Trí
TBKTSG

04/05 Facebook có thực đáng giá 100 tỷ USD?


Việc đánh giá giá trị của Facebook rất khó bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như tiềm năng lợi nhuận, tâm lý thị trường và tình hình kinh tế ở thời điểm tiến hành IPO.

Công việc kinh doanh của Facebook đang tăng trưởng nhanh hơn so với cách đây vài tháng, điều này khiến nhiều người dự đoán về khả năng Facebook sẽ tiến hành IPO vào mùa xuân năm 2012.

Một người tuyên bố đã tiếp cận được với sổ sách kế toán Facebook cho biết lợi nhuận của Facebook có thể vượt mức 2 tỷ USD trong năm 2011. Như vậy con số này còn cao hơn so với những gì mà Goldman Sachs và công ty đầu tư của Nga Digital Sky Technologies đưa ra cách đây vài tháng.

Vào đầu năm 2011, Goldman Sachs và Digital Sky Technologies đã công bố thương vụ đầu tư vào Facebook ở mức giá cổ phiếu định giá Facebook ở mức khoảng 50 tỷ USD.

Nhóm người khẳng định đã được xem sổ sách kế toán của công ty tuyên bố lợi nhuận của Facebook tăng trưởng đủ nhanh để giá trị của công ty này có thể tính ở mức khoảng 700 tỷ USD khi công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Nếu ở mức định giá trên, Facebook trở thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, giá trị của Facebook còn cao hơn cà Amazon, Cisco và một số công ty công nghệ khác.

Những người đưa ra con số trên thận trọng nói rằng việc đánh giá giá trị của Facebook rất khó bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như tiềm năng lợi nhuận, tâm lý thị trường và tình hình kinh tế ở thời điểm tiến hành IPO.

Rất hiếm khi công chúng được biết đến các số liệu tài chính của Facebook. Một số chuyên gia phân tích, nhà đầu tư và chuyên gia ngân hàng đã thực sự thể hiện sự hoài nghi với con số trên.

Sự “điên cuồng” trong việc định giá Facebook bắt đầu từ khoản đầu tư 1,5 tỷ USD từ Goldman Sachs và Digital Sky Technologies. Từ đó đến nay, nhà đầu tư đã chạy đua mua cổ phiếu Facebook trên thị trường thứ cấp. Trên thị trường này, giá trị của Facebook dao động mạnh, gần đây ở mức khoảng 70 tỷ USD.

Ngọc Diệp
Theo WSJ,Reuters

05/05 Standard Chartered: Hãy coi việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là điều hiển nhiên


Việc quyết định được chính xác thời điểm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại và mức độ như thế nào quá sức của khoa học kinh tế; thế nhưng hướng đi đã rõ ràng.

Châu Á cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Một số chuyên gia kinh tế hàng đầu cảnh báo các nền kinh tế tại châu Á cần đưa ra các biện pháp khẩn cấp để tự bảo vệ trước tác động từ việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại.

Dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 10,3% trong năm 2010 và 9,7% trong quý 1/2011, nhìn chung các chuyên gia kinh tế đều dự đoán tăng trưởng tại nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới sẽ sụt giảm trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã áp dụng biện pháp thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm qua. Các biện pháp đang phát huy tác dụng làm chậm đà tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Trung Quốc hiện đặt kiềm chế lạm phát làm mục tiêu hàng đầu.

Trong hội nghị thường niên của ADB tại Hà Nội, ông Li Yong, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc nói: “Chúng tôi tập trung vào tăng trưởng kinh tế nhưng cũng quan tâm đến việc người dân phải được hưởng lợi từ tăng trưởng đó.”

Phát biểu với báo giới, ông Yasheng Huang giáo sư tại MIT, chỉ ra: “Chính Chính phủ Trung Quốc đang định hướng nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, vì thế khả năng tăng trưởng không cao như trước có thể dự đoán được.”

Tại hội nghị, các đại biểu tranh luận nhiều về việc liệu việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm sẽ diễn ra từ từ hay Trung Quốc sẽ khó “hạ cánh an toàn”. Thực tế đã cho thấy mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào đầu tư không thể bền vững và tiêu dùng sẽ không tăng trưởng đủ mạnh để bù lại.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế thừa nhận rằng việc tính toán được chính xác quy mô hay thời điểm kinh tế Trung Quốc chững lại, thế nhưng ảnh hưởng của việc này lên kinh tế khu vực sẽ rất lớn.

Ông Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế, chính trị tại đại học University of California, nói: “Việc quyết định được chính xác thời điểm kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại và mức độ như thế nào quá sức của khoa học kinh tế. Thế nhưng không cần bàn cãi gì thêm về hướng thay đổi và chắc chắn nó sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu sắc lên châu Á và thế giới.”

Sự chững lại của kinh tế Trung Quốc tác động mạnh đến thế giới xét trên phương diện Trung Quốc là đối tác thương mại và nguồn cầu hàng hóa lớn trên thế giới.

Định hướng phát triển cân bằng hơn của Trung Quốc có lợi cho nhóm nước sản xuất thu nhập thấp như Việt Nam hay Bangladesh.

Ông Gerard Lyons, chuyên gia kinh tế trưởng tại Standard Chartered, nói: “Bài học quan trọng đối với khu vực chính là: người ta không nên ngạc nhiên nếu kinh tế Trung Quốc có chững lại ở giai đoạn nào đó. Thay cho việc ngạc nhiên, người ta nên coi nó như điều hiển nhiên.”

Ngọc Diệp – Cao Sơn


22/05 Đại gia cũng đứng đường... 'xin ăn'

Cập nhật lúc 22/05/2011 06:36:00 PM (GMT+7)

Dù sở hữu số vốn lên tới hàng nghìn tỷ USD và có quy mô hoạt động trên toàn cầu nhưng không ít “ông lớn” vẫn phải “cầu cạnh” Chính phủ Mỹ để tránh đối mặt với bi kịch phá sản.

TIN BÀI KHÁC:


‘Cá mập’ nhà đất xin viện trợ

Sau tuyên bố thua lỗ nặng trong quý I/2011, Tập đoàn cho vay thế chấp nhà lớn nhất nước Mỹ Fannie Mae lại phải cầu cứu Chính phủ khoản tiền cứu trợ 8,5 tỷ USD.

Báo cáo tài chính của tập đoàn công bố ngày 6/5 cho biết, trong ba tháng đầu năm nay, Fannie Mae lỗ 8,7 tỷ USD. Theo Fannie Mae, nguyên nhân thua lỗ là do giá nhà giảm 1,8% trong ba tháng đầu năm khiến số nhà bị tịch thu tăng lên khi nhiều chủ nhà vay tiền thế chấp để mua nhà, nhưng phải bỏ nhà khi giá bán không bằng số tiền vay thế chấp.

Với khoản đề nghị cứu trợ trên, tổng số tiền mà tập đoàn ngân hàng này vay Chính phủ Mỹ từ tháng 9/2008 lên tới 99,7 tỷ USD. Đây là gói cứu trợ lớn nhất của Chính phủ đối với một công ty.

Trong khi đó, một “đại gia” cho vay thế chấp “anh em” của Fannie Mae là Freddie Mac mới đây cũng thông báo lỗ gần một tỷ USD trong quý đầu năm nay và có khả năng sẽ “cầu cứu” Chính phủ trong tương lai không xa.

Đây không phải lần đầu tiên hai “con cá mập” nhà đất Fannie Mae và Freddie Mac phải cầu viện Chính phủ. Năm 2007, bong bóng nhà đất Mỹ tan vỡ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng cho vay tín dụng dưới chuẩn, từ đó gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế.

Cùng với việc nền kinh tế số 1 thế giới khủng hoảng nghiêm trọng năm 2008, hai nhà cho vay thế chấp lớn nhất của Mỹ là Fannie Mae và Freddie Mac, chiếm 40% thị phần, với tổng tài sản vào khoảng 5.000 tỷ tuyên bố mất khả năng thanh toán gây chấn động thị trường tài chính thế giới.


Hai năm trôi qua kể từ khi nhận tiền cứu trợ từ Chính phủ, hoạt động kinh doanh của Fannie Mae vẫn không khá hơn và một lần nữa phải kêu cứu.

Lúc này, Tổng thống Obama nhận thấy Fannie và Freddie đang trở nên rất quan trọng trong chương trình giải cứu thị trường nhà đất, do đó hai “đại gia” bất động sản bắt đầu nhận được cứu trợ từ Chính phủ. Chương trình này nhằm mục đích tái cấp vốn hoặc điều chỉnh nợ cầm cố nhà cho 9 triệu người Mỹ để họ tránh khỏi cảnh bị tịch biên nhà.

Từ khi được Chính phủ thành lập lần lượt vào các năm 1938 (Fannie Mae) và 1970 (Freddie Mac) đến nay, hai ngân hàng thế chấp nhà đất này tạo điều kiện cho hàng triệu người Mỹ có mức thu nhập trung bình và thấp vay tiền mua nhà với lãi suất hợp lý. Trước khi cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ xảy ra, Fannie Mae và Freddie Mac bơm 5.900 tỷ USD, tức khoảng 3/4 tổng vốn cho vay trên thị trường cầm cố nhà đất.

Tháng 12/2009, Chính phủ Mỹ tuyên bố hủy bỏ giới hạn viện trợ 400 tỷ USD đặt ra từ đầu cho hai đại gia nhà đất, nhưng cam kết trong ba năm tới Chính phủ vẫn sẽ hỗ trợ vốn bất chấp hai đại gia này thua lỗ bao nhiêu.

Như vậy, trong khi Mỹ đang cõng một khoản nợ công vượt ngưỡng 14.000 tỷ USD thì việc tiếp tục cứu trợ cho hai “đại gia” nhà đất này là một thách thức không nhỏ.

‘Gã khổng lồ’ xe hơi phó thác số mệnh

Rơi vào tình cảnh chung với Fannie Mae và Freddie Mac, Tập đoàn xe hơi lớn nhất nước Mỹ General Motors (GM) cũng phải “gửi gắm” số phận của mình cho Chính phủ.

Trước tình hình hiệu quả kinh doanh xuống dốc, ban lãnh đạo GM lập một bản kế hoạch tái cơ cấu với đề nghị cứu trợ lên tới 30 tỷ USD. Tuy nhiên, do nhận thấy sự thiếu khả thi của kế hoạch này, Chính phủ Mỹ quyết định bác đề nghị trên và giải cứu kiểu “nhỏ giọt”.


“Gã khổng lồ” GM được Chính phủ Mỹ không ít lần “giang tay cứu giúp”.

Ngày 21/4/2004, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố chi cho GM 19,4 tỷ USD trong vòng 60 ngày để tái cơ cấu các kế hoạch tránh phá sản. Tuy nhiên, con số này dường như không thấm tháp vào đâu so với những khoản thua lỗ khổng lồ. Vì vậy, đến ngày 23/5, GM lại được Chính phủ Mỹ đồng ý cho vay thêm 4 tỷ USD để tránh nguy cơ cạn vốn hoạt động.

Suốt hơn một thế kỷ, tập đoàn sản xuất ô tô General Motors là “một phần của sức mạnh Mỹ”. Trong suốt quá trình ra đời và trưởng thành, GM tiêu biểu cho một nền công nghiệp được coi là trái tim của sức mạnh kinh tế Mỹ. Nó tạo ra nhiều việc làm trình độ cao và thu nhập tốt, đồng thời cung cấp các sản phẩm đặc trưng của đất nước cho người Mỹ. Cùng với Chrysler, GM là trụ cột thứ 2 trong ngành sản xuất ô tô Mỹ không thể tồn tại trước sự khắc nghiệt của thương trường.

Liên tiếp nhận tiền cứu trợ nhưng hoạt động của GM vẫn không khá hơn và “gã khổng lồ” này đã phải đối mặt với thảm kịch phá sản. Đến lúc này, để cứu vãn hình ảnh của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ, chính quyền của Tổng thống Obama quyết định tung 30 tỷ USD để mua lại 60% cổ phần của GM sau khi nộp đơn xin phá sản và tái cơ cấu toàn diện.

Ngân hàng lớn nhất Mỹ ‘hết hơi’

Trước GM không lâu, Chính phủ Mỹ cũng phải giang tay cứu giúp “đại gia” ngân hàng của nước này – Bank of America. Ngày 24/1/2009, Chính phủ Mỹ thông qua kế hoạch hỗ trợ 20 tỷ USD cho Bank of America, đồng thời còn đảm bảo 98,2 tỷ USD tài sản có vấn đề cho ngân hàng này.

Theo kế hoạch này, Bank of America sẽ sử dụng khoản tiền được lấy từ kế hoạch 700 tỷ USD được thông qua vào tháng 10/2008 vào việc hoàn thành thương vụ thâu tóm Merrill Lynch.


Bank of America cũng phải nhờ đến khoản viện trợ của Chính phủ để “xốc” lại hoạt động kinh doanh.

Bank of America trước đó lên tiếng yêu cầu Chính phủ trợ giúp khoản thua lỗ từ thương vụ với Merrill Lynch sau khi nhận biết giá trị tài sản của Merrill trong quý 4 giảm xuống chỉ còn 15-20 tỷ USD.

Ngoài ra, Chính phủ Mỹ “sẽ bảo đảm cho ngân hàng này tránh được các khoản thua lỗ lớn bất thường” đối với số tài sản trị giá 118 tỷ USD dựa trên các khoản tiền vay bất động sản và địa ốc, vốn đang đóng băng do cuộc khủng hoảng tín dụng và địa ốc.

Tuy nhiên, đổi lại sự ủng hộ này, Bank of America sẽ trao thêm cho Chính phủ một lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá bốn tỷ USD, nâng tổng giá trị cổ phiếu thuộc sở hữu của Chính phủ Mỹ lên 45 tỷ USD. Chính phủ Mỹ trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này, nắm giữ 6% cổ phần. Ngoài ra, ngân hàng phải đồng ý giảm cổ tức hàng quý và giảm lương của các vị trí điều hành.

‘Đại gia’ ngân hàng khác kêu cứu

Danh sách các tập đoàn lớn của Mỹ làm ăn thua lỗ và phải “xin tiền” Chính phủ được nối dài bằng cuộc giải cứu của chính quyền Obama với ngân hàng lớn thứ 3 của Mỹ - Citigroup.

Theo quyết định công bố ngày 24/11/2008, Chính phủ Mỹ sẽ bảo lãnh cho lượng nợ xấu địa ốc và các tài sản “độc hại” khác với tổng trị giá 306 tỷ USD của Citigroup, đồng thời “bơm” thêm 20 tỷ USD cho ngân hàng này.

Nhờ có gói cứu trợ 20 tỷ USD của Chính phủ mà Citigroup thoát hiểm.

Để đổi lấy gói giải cứu này, Citigroup phải “nhường” cho Chính phủ Mỹ lượng cổ phiếu ưu đãi trị giá 27 tỷ USD và mức cổ tức 8%. Mức cổ tức này cao hơn mức cổ tức 5% mà Chính phủ Mỹ có được từ các gói đầu tư trong kế hoạch 700 tỷ USD vào các ngân hàng khác thời gian qua. Trước đó, như một phần của Chương trình giải cứu tài sản xấu (TARP), Bộ Tài chính Mỹ cũng đã đầu tư 25 tỷ USD vào Citigroup.

Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng có được lượng chứng quyền trị giá 2,7 tỷ USD để mua cổ phiếu của Citigroup trong tương lai.

Citigroup từng là đế chế tài chính mạnh nhất tại Mỹ với tài sản 2.000 tỷ USD và là tập đoàn ngân hàng có mạng lưới dịch vụ lớn nhất thế giới - tại trên 100 nước. Tuy nhiên, do giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, giá trị vốn hóa thị trường của Citigroup ở thời điểm được giải cứu chỉ còn có 20 tỷ USD.
Cũng theo thỏa thuận chung về việc giải cứu Citigroup, ngân hàng này nhất trí sẽ chịu khoản lỗ 29 tỷ USD đầu tiên cộng thêm 10% lượng thua lỗ tiếp theo trong danh mục tài sản xấu trị giá 306 tỷ USD được bảo lãnh này. Còn lại 90% khoản thua lỗ tiếp theo, Bộ Tài Chính Mỹ sẽ chịu trách nhiệm 5 tỷ USD, FDIC chịu trách nhiệm 10 tỷ USD, và FED “gánh” phần còn lại.

Citigroup không phải thay đổi ban lãnh đạo, nhưng chấp nhận áp dụng các hạn chế ngặt nghèo hơn đối với lương thưởng cho lãnh đạo và phải điều chỉnh những khoản nợ thế chấp xấu trong danh mục 306 tỷ USD này.

‘Ông lớn’ bảo hiểm được giải vây

Trong số các cuộc giải cứu của Chính phủ Mỹ đối với các “ông lớn”, có lẽ gói cứu trợ tập đoàn bảo hiểm AIG để lại dấu ấn nhất.

Trước sự ra đi của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, đánh dấu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và làm giá cổ phiếu rơi tự do trên các thị trường tài chính thế giới, giới chức Mỹ hết sức bối rối. Ngay lúc đó, thông tin thua lỗ của AIG được tung ra. Dường như mường tượng được ra viễn cảnh đổ vỡ hệ thống tài chính toàn cầu, giới lãnh đạo Mỹ đưa ra một quyết định lịch sử, đó là can thiệp để cứu AIG.

AIG là “ông lớn” đầu tiên được Chính phủ Mỹ giải cứu.

Theo thỏa thuận, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho AIG vay 85 tỷ USD trong hai năm. Đổi lại, Chính phủ Mỹ sở hữu 79,9% cổ phần AIG và có quyền thay thế ban lãnh đạo tập đoàn này. Quyết định mang tính bước ngoặt trên của Chính phủ Mỹ được giới phân tích đánh giá rất cao. Theo nhiều chuyên gia, nếu AIG phá sản thì việc này sẽ gây ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới thị trường. AIG sụp đổ cũng có nghĩa nhiều ngân hàng và quỹ đầu tư ở Mỹ sẽ mất khả năng nhận bảo hiểm trong trường hợp khó khăn.

AIG là công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới, với hơn 100.000 nhân viên trên toàn cầu, hoạt động ở 130 nước. Tài sản của họ khoảng hơn 1.000 tỷ USD - một phần ba trong đó là tại châu Âu.

Đây cũng là một trong những công ty nước ngoài lớn nhất kinh doanh ở Trung Quốc. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là bảo hiểm, nhưng không phải chỉ là bảo hiểm gia đình, mà công ty còn làm cho các doanh nghiệp lớn, và quan trọng nhất là ngân hàng.

(Theo Báo Đất Việt)