16/10 Thế giới tuần từ 11 - 15/10/2010: "Đại kế hoạch" của Trung Quốc

Ảnh: Ngọc Diệp - CafeF

Trung Quốc bàn đến "đại kế hoạch" cho 5 năm tới với chú trọng vào chất lượng tăng trưởng. Mỹ tạm nhượng bộ Trung Quốc trong “cuộc chiến tiền tệ”.

- Lợi nhuận doanh nghiệp quý 3/2010 sẽ quyết định hướng đi của TTCK Mỹ tuần tới
- Chủ tịch FED nói gì trong bài phát biểu mới nhất?


TTCK Mỹ “đau đầu” với ngành ngân hàng và thị trường nhà đất


Tuần qua, các ngân hàng gặp không ít khó khăn với việc làn sóng thu hồi nhà dâng cao, nhà đầu tư đẩy mạnh xả cổ phiếu và trái phiếu của các tổ chức tài chính lớn nhất. Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất điểm do những nỗi lo về ngành ngân hàng cũng như thất vọng với lợi nhuận quý 3/2010 của General Electric.


Cổ phiếu công nghệ trong khi đó đi theo hướng khác hoàn toàn với cổ phiếu ngân hàng. Phiên ngày thứ Sáu, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất điểm trong khi đó Nasdaq tăng hơn 1% nhờ cổ phiếu Google và Seagate tăng mạnh. Cổ phiếu Apple lần đầu tiên đóng cửa trên mức 300USD/cổ phiếu. Nhà đầu tư vì thế càng kỳ vọng nhiều hơn vào báo cáo lợi nhuận của Apple sẽ được công bố ngày thứ Hai tuần tới.


Về chính sách, chủ tịch FED được coi như có thái độ hết sức thận trọng đối với việc tiếp tục nới lỏng chính sách. Theo ông, sự thận trọng hoàn toàn cần thiết bởi còn cần đến việc tính toán ảnh hưởng thực tế của chính sách mới. Chủ tịch FED khẳng định FED có thể khởi động chương trình mua chứng khoán dài hạn lần thứ 2. Ông đánh giá chương trình 1,7 nghìn tỷ USD lần thứ nhất đã thành công.


Tính cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 56,3 điểm tương đương 0,51%, chỉ số S&P 500 tăng 0,95% còn chỉ số Nasdaq tăng 2,77%.


Khối lượng giao dịch trung bình đạt 8,2 tỷ cổ phiếu, cải thiện hơn rất nhiều so với các tuần trước đó.


Từ đầu năm 2010 đến nay, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 514,27 điểm tương đương 4,87%, chỉ số S&P 500 tăng 4,41%, chỉ số Nasdaq tăng 7,75%.




Nhìn lai TTCK thế giới tuần qua(Nguồn:FT)



TTCK châu Âu “chung cảnh ngộ” về nỗi lo về ngành ngân hàng


Tính cả tuần, chỉ số Stoxx 600 của TTCK châu Âu tăng 1,4% lên 265,83 điểm. Từ đầu năm đến nay, chỉ số tăng được 4,7%. So với mức thấp của năm thiết lập vào tháng 5/2010, chỉ số tăng được 15%. Nỗi lo về khủng hoảng nợ và tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại giảm bớt.


Chỉ số chính của 16/18 thị trường Tây Âu tăng điểm. Chỉ số DAX của thị trường Đức tăng 3,2%; chỉ số FTSE 100 của thị trường Anh tăng 0,8%; chỉ số CAC 40 của thị trường Pháp tăng 1,7%.


Cổ phiếu ngân hàng có mức tăng trưởng kém nhất tại châu Âu trong tuần này bởi lo ngại hàng loạt ngân hàng sẽ phải tăng vốn.


TTCK châu Á có dấu hiệu “đuối sức”


TTCK châu Á hoàn thành tuần tăng điểm thứ 7, chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất trong gần 4 năm. Số liệu kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp phát đi tín hiệu tích cực, niềm tin vào đà phục hồi của kinh tế toàn cầu phục hồi.


Tính cả tuần, chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương tăng 0,69% lên 131,03 điểm. Cổ phiếu năng lượng và sản xuất nguyên vật liệu tăng điểm mạnh. TTCK châu Á – Thái Bình Dương có chuỗi thời gian tăng điểm dài nhất từ tháng 12/2006.


TTCK Nhật là 1 trong số 3 thị trường chứng khoán của khu vực giảm điểm trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật hạ 0,9%. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông tăng 3,6%. Chỉ số Shanghai Composite của thị trường Trung Quốc tăng 8,5%.


So với mức thấp của năm 2010 thiết lập vào ngày 25/05/2010, chỉ số MSCI của TTCK châu Á – Thái Bình Dương đã tăng được 20%. Từ đầu năm đến nay, chỉ số tăng 9%.


Trung Quốc “nóng” với kế hoạch 5 năm: Chú trọng vào chất lượng tăng trưởng

Khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nhóm họp tuần này tại Bắc Kinh để bàn thảo về kế hoạch 5 năm, giới chuyên gia và thị trường đang kỳ vọng vào khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung vào chất lượng tăng trưởng chứ không phải tốc độ tăng trưởng.


Xét trên một số phương diện, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc sẽ đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ trong đó kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bùng nổ, thông thường trên 10%/năm, thông qua việc hấp thu hàng trăm tỷ USD tiền đầu tư để phục vụ cho nhu cầu của toàn cầu.


Kỳ họp lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 17 diễn ra trong 4 ngày, từ 15 – 18/10 tại Bắc Kinh, với mục tiêu đề ra kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội Trung Quốc trong 5 năm tới (từ 2011 đến 2015).


Theo tuyên bố được Bộ Chính trị Trung Quốc đưa ra vào tháng 9/2010, giai đoạn từ năm 2011-2015 có ý nghĩa chiến lược tới vận mệnh phát triển của Trung Quốc. Đây là giai đoạn đẩy mạnh đa dạng hóa trong chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế quốc gia.


Mỹ tạm nhượng bộ Trung Quốc trong “cuộc chiến tiền tệ”


Chính quyền của Tổng thống Obama hôm qua đã quyết định lùi thời hạn công bố bản báo cáo về nước có hành vi thao túng tỷ giá đồng nội tệ, một động thái cho thấy sự nhượng bộ tạm thời đối với chủ nợ lớn Trung Quốc.


Theo đúng kế hoạch báo cáo sẽ được gửi lên Quốc hội Mỹ ngày 16/10/2010. Tuy nhiên Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã quyết định lùi việc này đến sau hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàn Quốc vào ngày 11/11/2010. Dù vậy, ông vẫn hối thúc Trung Quốc đẩy nhanh việc nâng giá đồng nhân dân tệ.


Từ ngày 19/06/2010 khi Trung Quốc công bố bỏ chế độ neo tỷ giá đồng nhân dân tệ vào đồng USD, đồng nhân dân tệ tăng giá được 2,8%. Tháng 8/2010, nhập siêu từ Trung Quốc vào Mỹ lên kỷ lục 18 tỷ USD. Giới chức kinh tế hàng đầu nước Mỹ thêm lần nữa “đau đầu”.



Lạm phát tại Mỹ thấp nhất trong hơn 40 năm


Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tháng 9/2010 tăng 0,1% do giá thực phẩm và xăng tăng. Tỷ lệ lạm phát lõi ở mức thấp nhất trong gần 5 thập kỷ.


Trong 12 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ tăng 1,1% (sau khi điều chỉnh với yếu tố mùa vụ). Chỉ số giá tiêu dùng lõi trong khoảng thời gian trên tăng 0,8%, mức tăng trong 12 tháng thấp nhất từ năm 1961.


Ngành công nghệ nóng với tin từ AOL


WSJ đưa tin AOL và một số công ty chứng khoán khác đang tính đến việc mua cổ phần tại Yahoo. Cụ thể, AOL đang trong quá trình bàn thảo với một số công ty chứng khoán như Silver Lake Partners và Blackstone Group để đưa ra lời đề nghị chào mua dành cho Yahoo. Theo đó, Yahoo có thể bán cho nhóm công ty trên tới 40% cổ phần mà Yahoo đang sở hữu tại “đại gia” Alibaba của Trung Quốc. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư trên còn đang tính đến việc mua một số tài sản khác chưa được công bố cụ thể.


Thế giới “phát sốt” với Apple, cổ phiếu Apple lên cao chưa từng có trong lịch sử


Cổ phiếu Apple lên mức đỉnh cao trong tuần này, vượt mức 300USD/cổ phiếu lần đầu tiên trong lịch sử Apple. Nhà đầu tư ngày một kỳ vọng vào triển vọng lợi nhuận Apple sau hàng loạt các sản phẩm mới như iPad và iPhone 4.


Ngay cả sau thời gian tăng mạnh vừa qua, nhiều chuyên gia phân tích tin rằng cổ phiếu Apple hoàn toàn có thể tăng cao hơn bởi hiện vẫn ở dưới mức mục tiêu của các chuyên gia. Ngày thứ Hai tuần tới, Apple sẽ công bố lợi nhuận quý 3/2010.


JP Morgan công bố lợi nhuận tăng khi triển vọng tín dụng sáng sủa hơn


Ngân hàng hàng đầu nước Mỹ JP Morgan công bố lợi nhuận ròng quý 3/2010 tăng 23% bởi chi phí tín dụng tiếp tục giảm. JP Morgan công bố đã kiếm được 1,3 tỷ USD trước thuế tương đương 18 cent/cổ phiếu.


Google khiến thị trường choáng với lợi nhuận quý 3/2010, cổ phiếu vượt 600USD


Ngày thứ Năm, Google công bố lợi nhuận gây ngạc nhiên. Hãng sở hữu công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận ròng quý 3/2010 đạt 2,17 tỷ USD tương đương 7,64USD/cổ phiếu, cao hơn dự báo 6,69 USD/cổ phiếu của các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters. Doanh thu ròng, sau khi đã loại bỏ chi phí mà Google trả cho các đối tác, đạt 5,48 tỷ USD, cao hơn kỳ vọng 5,27 tỷ USD. Doanh thu ròng quý 3/2009 đạt 4,38 tỷ USD.


Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, cổ phiếu Google lập tức tăng điểm mạnh, mức tăng đạt 11% và vượt 600USD/cổ phiếu, mức chưa từng có từ tháng 1/2010. Cổ phiếu Google đã tăng hơn 30% trong 6 tuần qua.


Ngọc Diệp

17/10 Ba lý do Mỹ nên thúc đẩy lạm phát

Fed nói sẽ làm tất cả để kích thích nền kinh tế, thậm chí kể cả việc khiến lạm phát gia tăng. Và dưới đây là những lý do cho phép Fed có thể hành động như vậy.



Chắc chắn người dân Mỹ sẽ không thoải mái gì khi phải chi trả nhiều hơn cho sinh hoạt phí hàng ngày trong tình trạng thâm thủng ngân quỹ và thiếu hụt việc làm hiện nay.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế học lập luận rằng việc thúc đẩy lạm phát theo một tỷ lệ vừa phải sẽ giúp kích thích nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.

Chính sách tiền tệ nới lỏng không phải bao giờ cũng có tác động tích cực. Trên thực tế, nó thường khiến người dân cảm thấy mình “nghèo đi” bởi giá cả mọi mặt hàng từ ô tô cho đến ti vi đều tăng lên.

Mặt khác, một tỷ lệ lạm phát cao hơn sẽ làm đồng đô la giảm dần giá trị và ăn mòn tiền gửi tiết kiệm trong ngân hàng, do đó gián tiếp buộc người dân tiêu tiền càng sớm càng tốt.

Mặc dù chính sách này hiếm khi mang lại tác dụng, song trong một bài báo gần đây, James Surowiecki, cây bút của tờ The New Yorker, đã chỉ ra rằng lạm phát thực sự đã có lúc là động lực nâng đỡ nền kinh tế Mỹ trong quá khứ.

Sau Thế chiến thứ II, nước Mỹ đã có một khoảng thời gian chứng kiến sự gia tăng liên tục của mặt bằng giá cả làm cho nợ công giảm xuống mức có thể khống chế.

Surowiecki nhận xét: “Thúc đẩy lạm phát có lẽ không phải là một chính sách tốt, nhưng nó là chính sách đúng đắn”. Dường như Fed đang dần bị thuyết phục với biện pháp này.

Mới đây, Fed tuyên bố rằng họ sẵn sàng kích thích lạm phát nếu điều đó thực sự cần thiết để “giúp nền kinh tế phục hồi và lạm phát được điều chỉnh hợp lý qua từng giai đoạn thích hợp với sứ mệnh của nó”.

Cây bút Colin Barr của Fortune đã chỉ ra rằng thông điệp của Fed hàm chứa quyết tâm khá mạnh mẽ khi đây là lần đầu tiên giới chức thừa nhận ảnh hưởng của việc giảm lạm phát buộc họ phải đẩy giá cả lên.

Dưới đây là 3 lý do giải thích tại sao lạm phát có thể đem lại sự khởi sắc cho nền kinh tế:

Giảm bớt nợ nần

Tình hình tài chính của các hộ gia đình Mỹ đang rất tồi tệ, và đây là một trong những nhân tố chủ yếu cản trở đà hồi phục kinh tế.

Chính hành động chi tiêu phung phí của người tiêu dùng trong nhiều năm trước đây đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, mà giờ đây đa số họ đang trở thành nạn nhân của nó với gánh nặng nợ nần khổng lồ.

Gần 1/4 số người sở hữu nhà đang nợ nhiều hơn giá trị ngôi nhà của họ, tính theo giá thị trường hiện nay. Không những thế, giá trị tài sản ròng của các hộ gia đình đang ngày càng suy giảm: riêng trong quý II năm nay, nó đã hao hụt tới 1,5 nghìn tỷ USD.

Nếu như lạm phát xảy ra, giá cả được điều chỉnh tăng thì rõ ràng giá trị khối tài sản này sẽ được cải thiện. Thêm vào đó, tiền lương cũng sẽ tăng giúp cho người dân dễ thở hơn với những khoản nợ đang thúc giục.

Trên hết, tác động lớn nhất của lạm phát là giá trị tương đối của gánh nặng nợ sẽ giảm đi khi mặt bằng giá cả hàng hóa tăng lên.

Tất nhiên, khoản nợ công khổng lồ cũng sẽ giảm bớt phần nào, tuy rằng đa số các nhà kinh tế dự đoán nó vẫn sẽ gia tăng trong năm tới.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện đang ở mức 2,75% và được dự báo sẽ tăng lên 3,5%, thậm chí 1/3 số chuyên gia trong cuộc điều tra của CNN cho rằng lãi suất sẽ còn lên tới 4%.

Dù không thể xóa bỏ hoàn toàn nỗi lo lăng về nợ nần, song việc kích thích lạm phát sẽ giúp nới lỏng những ràng buộc mà chính phủ và người dân đang phải gánh chịu.

Kích thích chi tiêu

Trong hoàn cảnh tỷ lệ tiết kiệm của người dân và doanh nghiệp ở mức cao bất thường như hiện nay, một “cú hích” nhằm vào chi tiêu và đầu tư chính là những gì nền kinh tế Mỹ thực sự cần để có thể bứt phá.

Một “liều thuốc” lạm phát vừa phải chính là tác nhân tạo ra cú hích đó.

Nếu người tiêu dùng dự đoán giá cả tăng trong tương lai thì họ sẽ chọn giải pháp tiêu tiền sớm để có lợi hơn, bởi đồng tiền nhàn rỗi ngày càng giảm giá trị tương đối. Hay nói cách khác, gia tăng lạm phát làm giảm động lực tiết kiệm của người dân.

Trong dài hạn, gia tăng tiết kiệm thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, song nếu xem xét trong ngắn hạn thì việc kích thích chi tiêu là cần thiết hơn để thúc đẩy sự hồi phục.

Tạo việc làm nhờ tăng chi tiêu và đầu tư

Một trong những trở ngại chính làm cho các doanh nghiệp không mặn mà tuyển dụng thêm nhân công là do sức cầu tiêu dùng quá yếu.

Nếu như lạm phát xảy ra, chi tiêu sẽ được kích thích, phía cầu cải thiện thì tất yếu các nhà sản xuất cũng sẽ chớp lấy thời cơ phát triển và thuê mướn lao động nhiều hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn khác có thể khiến cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp do dự trong việc bổ sung lao động, chẳng hạn như khoản chi phí tăng do Luật cải cách hệ thống y tế hay hệ thống thuế thay đổi như thế nào trong năm tới.

Dù chưa thể là giải pháp toàn diện để khắc phục tình trạng trì trệ, song việc kích thích lạm phát ở mức độ vừa phải trong một khoảng thời gian nhất định cũng có thể cải thiện phần nào những thương tổn của nền kinh tế.

Hoàng Sơn
Theo Fortune